Article
Môi trường UX tại Việt Nam
🕔 10 thg 2, 2021
🧑🎓 Nguyễn Vương Chung
Bài viết này, mình nói về vai trò và đặc điểm của UX Design trong từng nhóm công ty tại Việt Nam. Mình hi vọng khi mọi người theo đuổi ngành này sẽ có những lựa chọn sáng suốt, phù hợp với sự phát triển bản thân trong từng giai đoạn.
Tùy theo từng công ty, dự án, mô hình tổ chức, nguồn lực cụ thể mà công việc của UX Design cũng sẽ khác nhau. Mình có cơ hội quan sát điều này này rõ hơn vào năm ngoái khi tổ chức UX Mentorship Program.
Công ty truyền thống
Công ty giải pháp phần mềm hoặc outsourcing
Startup công nghệ giai đoạn đầu
Startup công nghệ giai đoạn giữa
Design agency
Công ty/ Tập đoàn lớn
Mình chưa tìm được từ nào đủ ý để đặt tên cho nhóm công ty này. Ở đây mình muốn nói tới nhóm các công ty tuyển dụng UI/UX Designer dưới vai trò hỗ trợ kinh doanh (Back Office). Title UX Design chưa xuất hiện. UI/UX Designer hoặc Graphic Designer sẽ trực thuộc phòng truyền thông hoặc marketing của công ty.
Tuy vậy, nhưng môi trường này vẫn mang nhiều lợi thế như:
Dễ xin việc. Có một lượng lớn công ty trên thị trường thuộc nhóm này, có thể là một trường học, chuỗi cafe, cửa hàng thời trang... Với nhu cầu tuyển dụng cao và đòi hỏi không quá chuyên sâu, đây là cơ hội tốt với các bạn đi từ 0 thành 1.
Cơ hội thử nghiệm. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, việc có thể trải nghiệm nhiều cũng giúp bạn đưa ra những quyết định cho tương lai tốt hơn. Nhưng hãy cẩn thận, đây đồng thời cũng là một nhược điểm.
Nhược điểm của môi trường này:
Dàn trải kỹ năng. JD của UI/UX Design (hoặc Graphic Design) tại đây sẽ bao gồm rất nhiều thứ, từ thiết kế Branding, quảng cáo, cho đến website và cũng có thể là cả video nữa. Nên bạn không thực sự hiểu sâu điều gì và tai hại hơn là dễ ngộ nhận mình biết mọi thứ (do làm việc đa dạng quá mà)
Không có môi trường chuyên môn. Như đã nói, ở các công ty dạng này thường Design sẽ thuộc phòng Marketing hoặc Truyền thông. Nên đồng nghiệp và sếp của bạn cũng là những người có khả năng sẽ giỏi về nhóm chuyên môn của họ và không biết nhiều về thiết kế. Tất nhiên bạn vẫn sẽ tiến bộ (kiến thức nền tảng của Marketing được áp dụng nhiều trong UX) tuy nhiên cũng có nhiều cách tốt hơn.
Không dễ gì để chọn ngay được một công việc ưng ý, học hỏi thêm kinh nghiệm trước khi nhảy một bước xa hơn cũng là một quyết định không tệ. Nhưng nếu có lựa chọn: đừng vào đây
Đây là các công ty gia công giải pháp kỹ thuật (outsourcing) theo nhu cầu của khách hàng (client) hoặc tự sản xuất phần mềm của mình và tùy chỉnh lại (custom) để bán giải pháp cho công ty khác.
Thông thường, 2 công ty này là 1, lý do là: Làm outsourcing thì lượng việc lúc nhiều lúc lại ít, tự làm giải pháp đem bán thì lại yêu cầu đầu tư ban đầu cao trước khi có tiền thu về. Nên các công ty này thường "lấy ngắn nuôi dài", sử dụng outsourcing làm nguồn chính tạo ra dòng tiền và tối ưu năng xuất lao động bằng cách tự sản xuất phầm mềm riêng. Outsourcing cần con người. Nhân sự cứ đến rồi đi, tài sản tích lũy của họ là các sản phẩm tự xây dựng.
Cũng như nhóm đầu tiên, nhóm công ty này chưa cần vai trò của UX Design, họ cần UI/UX Design nói chung.
Những lợi ích khi làm ở đây:
Biết về Agile và Scrum. Agile là một mindset thường được sử dụng để phát triển phần mềm còn Scrum là cách để áp dụng tư tưởng đó vào công việc. Khả năng cao là bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với chúng khi làm việc tại các công ty này. Điều đó sẽ giúp bạn củng cố tư duy phát triển sản phẩm tốt hơn và là một kiến thức mang tính kế thừa cao khi bạn quyết định chuyển việc sau đó.
Đủ team. Tại đây, bạn sẽ được làm việc với nhiều bộ phận khác liên quan đến việc xây dựng sản phẩm: Product Owner, Business Analytic, Front-end Developer, Back-end Developer, Quality Assurance, Quality Control... Làm tại đây, hãy tìm hiểu một chút về công việc của mọi người. Góc nhìn và mối quan tâm của họ đều đóng góp vai trò quan trọng cho một sản phẩm thành công. Ở vai trò UX, bạn sẽ quan tâm nhiều tới khách hàng. Nhưng để có một sản phẩm tốt về tổng thể, góc nhìn cần rộng hơn thế.
Hiểu biết các vấn đề kỹ thuật (chủ yếu là Front-end). Một khó khăn của UI/UX Designer đó là làm việc cùng Front-end Developer. Thiết kế có các giới hạn nhất định về tính khả thi, đặc biệt trong mảng Front-end. Những mong muốn của chúng ta có thể sẽ rất tốn thời gian triển hoặc rất nặng. Hoặc cách bàn giao thiết kế không đúng dẫn tới việc không thực hiện được. Rất nhiều câu chuyện bạn cần làm để có sản phẩm cuối "what you see is what you get". Đây là một môi trường tốt để học về điều đó.
Được làm nhiều dự án. Trong môi trường này, bạn cũng nhiều cơ hội để thử sức với nhiều dự án thú vị khác nhau. Điều đó đồng nghĩa với nhiều kinh nghiệm hơn và hồ sơ đẹp hơn nhanh chóng.
Bên cạnh nhiều ưu điểm vậy, ở đây vẫn tồn tại nhiều hạn chế
Bị chi phối bởi tính dự án. Một dự án thành công (điều công ty muốn) có nhiều điểm khác với một sản phẩm thành công (điều những người làm chuyên môn muốn). Có thời gian mình sẽ viết cụ thể trong một bài viết khác về chủ đề này. Vì tính dự án có điểm kết thúc nên bạn cũng không có nhiều cơ hội để đánh giá (measure) và tối ưu (measure) sản phẩm. Đây vốn là những bước rất quan trọng khi làm UX và Product. Do đó, bạn cũng không biết thiết kế của mình có thực sự tốt hay không.
Bị chi phối bởi kỹ thuật. Đội kỹ thuật ở đây là nòng cốt của công ty, luôn đông đảo và mạnh mẽ. Họ đồng thời có tác động cao tới vấn đề thời gian. Nên tại các công ty này tiếng nói của họ sẽ thường cao hơn của UI/UX Designer.
Các công ty này phù hợp với cả Junior, Senior, Leader level. Với Junior, đây là môi trường rốt để bắt đầu và học nhanh. Với Senior, phù hợp nếu theo hướng Generalist. Với Leader, phù hợp để theo hướng half-half: một nửa chuyên môn một nửa quản lý dự án (khổ lắm chả sướng gì).
Chỉ trong 20 năm gần đây, các tập đoàn công nghệ đã chiếm lĩnh thị trường. 2 tập đoàn trong The Four (Alphabel & Facebook) là công ty công nghệ. 2 công ty còn lại có hàm lượng công nghệ cực cao (Apple & Amazon). 4 chàng ngự lâm quân này đã đánh bật toàn bộ các gã khổng lồ của thế kỷ trước để chiếm lấy những vị trí dẫn đầu. Chính nhờ sự phát triển công nghệ vượt bậc này mà UX cũng ngày càng phát triển hơn.
Quay lại mặt đất với các startup công nghệ tại Việt Nam, đây là một môi trường phát triển lý tưởng của UI/UX Design (môi trường này cũng chưa cần UX thuần). Với các startup trong giai đoạn này, chiến thuật thường thấy là đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất có thể và đánh giá mức độ market-fit. UX trong giai đoạn này đa số sẽ làm theo dạng Lean (Phương pháp cứ làm ra rồi kiểm thử), không thực sự đầu tư về User Research trong giai đoạn đầu (Trả lời câu hỏi Who, Why, What) mà sẽ tập trung vào câu trả lời How. Sau đó measurement (đánh giá thiết kế đó tốt hay không tốt) để cải thiện.
Thế mạnh của UX trong môi trường này là
Dễ xin việc. Do số lượng công ty nhiều, mức độ đòi hỏi về về chuyên môn và khả năng đãi ngộ chưa cao.
Nhanh ra sản phẩm. Chỉ trong vài tháng, có thể bạn đã xây dựng xong 1 sản phẩm "fancy" mang tầm nhìn giải cứu thế giới cũng nên 😜. Trong quá trình đó bạn sẽ bắt đầu học được nhiều điều như cách làm việc và tranh luận cùng các vị trí khác như Product Owner, Developer. Giai đoạn này sẽ làm - sửa - đập đi - làm lại - xong lại sửa liên tục. Đó chính là cách thiết kế của bạn tốt dần lên.
Bắt đầu có thể đo lường thiết kế. Không phải sếp là người duyệt thiết kế của bạn đâu, sản phẩm đó sẽ được ra ngoài thị trường và khách hàng sẽ là người quyết định nó nên được sửa thế nào. Bạn sẽ dần học được cách hạ thấp cái tôi (ý kiến chủ quan) cá nhân, mà biết lắng nghe và quan sát hơn.
Hiểu rõ về sản phẩm. Tham gia vào xây dựng sản phẩm từ giai đoạn đầu là cách tốt nhất giúp bạn hiểu sâu về nó. Khi bạn hiểu sâu, bạn cũng sẽ thấy tự tin và tự hào hơn về sản phẩm mình làm. Nếu sản phẩm phát triển lớn mạnh, bạn là công thần lập quốc. Nếu chuyển việc, hiểu sâu sẽ có giá trị hơn nhiều việc biết rộng. Nhà tuyển dụng quan tâm tới việc bạn đã thực sự đã giải quyết vấn đề gì, như thế nào. Đặc biệt với UX, điều đó giá trị hơn nhiều những mock-up đẹp.
Song song với đó, môi trường này cũng có 1 vài mặt trái nhất định
Không ổn định. Startup dễ chết, một tỷ lệ đã quen thuộc đó là 9/10 startup sẽ biến mất trong thời gian dưới 3 năm. Nhưng cá nhân mình nghĩ sự ổn định đã không còn là một trong những tiêu chí quan trọng khi lựa chọn công ty nữa, quan trọng là chúng ta sẽ học được gì.
Đãi ngộ ở mức trung bình - thấp. Đánh đổi cho một mức đãi ngộ thấp, chúng ta thường sẽ có những môi trường làm việc vui vẻ, linh hoạt.
Chuyên môn dàn trải. Ở startup, CEO có thể kiêm luôn vị trí nhân viên dọn vệ sinh nên là việc design phải kiêm nhiệm cũng không có gì lạ. Công việc của bạn sẽ dàn trải một chút từ User Research, UX/UI Design tới Visual Design. Làm gì cũng được miễn công ty sống đã.
Nếu so với các công ty truyền thống, việc lựa chọn các startup sẽ là một khởi đầu tốt hơn nhiều nếu bạn đã xác định đi theo UX.
Nếu bạn đang làm ở trong một Design Agency thì chúc mừng bạn. Bạn được làm việc trong một môi trường bao quanh toàn các Designer khác, cơ hội tuyệt vời để các bạn học hỏi. Ở đây, chúng ta cũng có nhiều cơ hội được làm việc với các khách hàng hàng nhau, các lĩnh vực khác nhau. Bạn tha hồ thử sức và trải nghiệm.
Các Design Agency sẽ bắt đầu xuất hiện rõ hơn vai trò của UX Design. Theo xu hướng thị trường (Client của Agency), nhu cầu về Branding đang đi xuống và Digital ngày càng cao. Khách hàng cũng ngày càng khó tính, đòi hỏi sản phẩm thiết kế phải vừa đẹp vừa thông minh và giải quyết được các vấn đề của họ. Mảnh đất màu mỡ cho UX bắt đầu.
Lợi thế khi làm UX trong các Design Agency là:
Học nhanh. Do có cơ hội tiếp xúc đa dạng dự án, bạn cũng có nhiều cơ hội học hỏi trong các lĩnh vực khác nhau. Môi trường này cũng giúp bạn ở trong một cường độ làm việc cao, không bao giờ sợ bị ì (điều mà thường xảy ra với các công việc quá an toàn). Sau vài năm làm việc tại Agency, bạn sẽ bất ngờ về sự tiến bộ về kỹ năng và hiểu biết của mình.
Bứt phá giới hạn bản thân. Bạn đã nghe thấy cụm từ "Deadline trong ngày" trứ danh của cộng đồng Agency? Nhìn một cách tích cực, chính sức ép về thời gian đó luôn giúp bạn vượt qua giới hạn của chính bản thân mình.
Khả năng thuyết phục. Bạn sẽ phải liên tục đưa ra các ý tưởng của mình trong các buổi brain storming nội bộ, pitching với khách hàng. Một điều tự nhiên là bạn sẽ tiến bộ đó là khả năng trình bày ý tưởng, từ đó tăng khả năng thuyết phục của bản thân. Bạn có thể có nhiều ý tưởng, nhưng nếu không thuyết phục được mọi người làm ý tưởng đó - đó vẫn mãi là ý tưởng mà thôi.
Khả năng research. Chủ yếu các Design Agency sẽ thực hiện Secondary Research (Tìm kiếm các Reports/ Case studies... có sẵn trên mạng) và Primary Research dạng Qualitative (nghiên cứu định tính, ví dụ như survey). Lý do là vì họ cần cơ sở để thuyết phục Client tin vào các đề xuất của họ.
Một vài vấn đề cần lưu ý là:
Tính dự án. Tương tự như trong các công ty bản giải pháp phần mềm và outsourcing, Design Agency cũng gặp vấn đề về tính dự án. Tới một thời điểm bạn sẽ bàn giao lại thiết kế của mình và xong việc, không nhiều cơ hội để có thể tiếp tục tối ưu. Nhiều Design Agency hiện giờ đã chuyển hướng sang Design Partner để có cơ hội tiếp tục "chăm sóc" đứa con của mình sau khi ra đời và nuôi chúng lớn (một lý do khác nữa là Design Partner thì có sự gắn kết cao hơn với Client và từ đó kiếm đc tiền nhiều và ổn định hơn haha)
Khó thay đổi sản phẩm của khách hàng. Đứng ở vai trò một công ty bên ngoài, rất khó để thực sự thay đổi sản phẩm của khách hàng, đằng sau sản phẩm đó là nhiều câu chuyện về kinh doanh, hệ thống, cách vận hành và rủi ro kinh doanh của họ. Nên công UX tại đây cũng chủ yếu xoay quanh Usablity của thiết kế.
Vậy nên, nếu bạn muốn try hard để tiến bộ thật nhanh thì Design Agency là cơ hội tuyệt vời dành cho bạn. Lưu ý, mình không nói tới toàn bộ Design Agency. Mình chỉ đang nói tới những nơi có sinh ra vai trò riêng của UX Design.
Ở một vài tập đoàn lớn có định hướng đầu tư vào trải nghiệm khách hàng, vai trò của UX khá được coi trọng. Cùng với đó là xu hướng Digital Transformation, các tập đoàn lớn cũng đang tuyển dụng rất nhiều nhân sự cần thiết cho quá trình này, UX là một trong số đó. Ở phần này mình chỉ đề cập đến trường hợp các công ty có chuyên môn hóa về vai trò thiết kế. Nhiều nơi không muốn chuyên môn hóa thì sẽ giống như trường hợp công ty đầu tiên (nhóm công ty giữ UI/UX Design ở vai trò hỗ trợ kinh doanh). Sẽ có 2 mức độ phát triển của UX Design tại đây, mình tạm gọi là Medium và High Level.
Medium level
Những lợi thế khi làm việc tại môi trường này:
Đồng nghiệp giỏi. Trong những môi trường như vậy, bạn sẽ được làm việc với nhiều người giỏi về chuyên môn, không chỉ giỏi ở tầm national mà cả ở tầm international. Nếu chịu khó học hỏi, đây là một mỏ vàng.
Sản phẩm có sự tác động lớn. Khi làm UX ở đây, bạn sẽ cảm nhận được tác động công việc của mình tới khách hàng. Một thay đổi nhỏ có thể sẽ tác động tới vài triệu hay thậm chí cả chục triệu người dùng. Nhiều người hơn đồng nghĩa với số liệu cũng đáng tin cậy hơn và từ đó quyết định thiết kế của bạn lớn hơn.
Có đủ nguồn lực. Khi bạn làm một dự án gì đó, sẽ có cả sự hỗ trợ của nhiều bên có liên quan ví dụ như: khi nghiên cứu có thể thuê những Vendor chuyên nghiệp từ bên ngoài như McKensey, Kanta. Khi ra mắt sản phẩm có thể được truyền thông rộng rãi khắp các phương tiện. Đây là một lợi thế mà không nhiều công ty đạt được.
Hỗ trợ đào tạo. Làm UX ở các tập đoàn lớn bạn cũng thường xuyên được công ty mời về các chuyên gia để đào tạo thêm hoặc được cử đi tham gia những khóa học/ hội thảo chuyên môn.
Lý tưởng là vậy, nhưng cũng có những hạn chế:
Bộ máy lớn thì không đi nhanh được. Các công ty này vốn đã kiếm rất nhiều tiền mà chả cần tới vai trò của UX hay Digital Transformation. Thay đổi 1 bộ máy lớn luôn khó và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đây là 1 điểm mà bạn cần nhận biết trước.
Khó khăn trong việc bao quát, chỉ nắm rõ được một vài phần nhất định. Vì ở đây có quá nhiều việc, mỗi dự án lại có chiều sâu riêng. Đôi khi việc đi align và catch-up những thông tin cần thiết cũng hết ngày.
High level
Sao cấp độ này chỉ được đề cập tới tại các công ty lớn? Đơn giản là vì nó tốn kém. Một vài startup phát triển ở mức khủng cũng có thể duy trì team thiết kế ở cấp độ này. Nhưng tới giai đoạn đó, cũng có thể tính họ vào cùng nhóm các công ty lớn được rồi. Trên thế giới, CBA Bank duy trì đội Design lên tới hơn 200 người, Google thì lên tới con số hàng nghìn. Tại Việt Nam, các team thiết kế đông đảo nhất ở mức độ 50-60 người.
Về cơ bản, ưu và nhược điểm vẫn giống như ở Medium level. Điểm khác biệt là ở mức độ phân hóa này bạn sẽ có điều kiện tập trung sâu hẳn 1 mảng để phát triển thành 1 Specialist. Việc nghiên cứu sẽ có người khác làm cho bạn. UI sẽ có người vẽ cho bạn. Hi vọng trong vài năm tới Việt Nam sẽ có nhiều công ty có nhóm thiết kế phát triển lên tới cấp độ này.
Chapter 08
Kết luận và tóm tắt nội dung
Có một nhóm công ty mình chưa có nhiều hiểu biết để chia sẻ đó là: Nhóm các công ty nước ngoài thuê nhân sự remote tại Việt Nam. Bạn bè mình quen biết dang làm remote cũng đều là các hàng khủng cả, mọi người có thể cân nhắc tìm hiểu thêm về môi trường này.
Bài viết dựa trên quan sát cá nhân của mình trong hơn 10 năm gắn bó với lĩnh vực thiết kế và xây dựng cộng đồng. Nếu có những thiếu sót, mong nhận được sự góp ý của các bạn.
Cuối cùng, mỗi môi trường làm việc khác nhau sẽ có đặc điểm khác nhau, không có nơi đâu là tốt hẳn hay xấu hẳn. Miễn là bạn biết thì những lựa chọn công việc phù hợp thì lựa chọn sẽ chính xác hơn. Hi vọng điều này sẽ giúp ích được cho các bạn