Article

Bạn có đang sử dụng năng lượng của mình đúng cách?

🕔 15 thg 9, 2024

🧑‍🎓 Ông Giáo - Khánh Đàm

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao đôi khi mình cứ như chiếc điện thoại hết pin, làm gì cũng mệt mỏi? Hay tại sao có những người luôn làm việc hiệu quả trong khi mình lại cảm thấy luôn bị cuốn theo dòng đời?

Ví dụ như mình, không hiểu sao mình có thể dành cả tối để share meme thay vì ngồi viết truyện tranh cho mọi người đọc…

Phải chăng chúng mình đang quản lý năng lượng một cách không hiệu quả?

Chapter 01

Vậy quản lý năng lượng là gì?

Chapter 01

Vậy quản lý năng lượng là gì?

Mỗi chúng ta có hai loại năng lượng: Năng lượng thể chất và Năng lượng tinh thần. Trong bài viết này chúng mình sẽ tập trung vào năng lượng tinh thần nhé.

Hãy tưởng tượng bể năng lượng của bạn chính là số phần trăm pin điện thoại của bạn. Viên pin của mỗi người có dung lượng khác nhau, nhưng đều có một điểm chung: Nó có dung lượng giới hạn và mỗi ngày chúng ta đều sạc lại nó để sẵn sàng cho ngày hôm sau. Một số tác vụ đơn giản như nhắn tin, gọi điện hay xem giờ sẽ không tốn quá nhiều pin. Ngược lại, những tác vụ nâng cao hơn như chơi game, chỉnh sửa video hay lướt mạng xã hội sẽ tốn nhiều pin hơn.

Não bộ cũng tương tự, với những việc đơn giản như nhặt rau, đánh răng, chạy bộ, chúng ta có thể làm một cách tự động mà không phải suy nghĩ. Nhưng với những công việc khó nhằn như đọc sách, chơi game hay làm bài tập UXF lại đòi hỏi chúng ta phải tiêu tốn nhiều năng lượng tinh thần hơn. Nếu không được quản lý đúng cách, năng lượng tinh thần của chúng ta có thể bị rút không phanh luôn.

Thế là tạo hóa đã ban cho bộ não chúng ta 2 hệ thống tư duy để giải quyết các vấn đề với độ khó khác nhau: Tư duy nhanh và Tư duy chậm. Đây chính là 2 vũ khí để chúng mình tối ưu năng lượng tinh thần của bản thân.

Tư duy nhanh và chậm

Để hiểu rõ hơn về cách quản lý năng lượng tinh thần, chúng ta cần tìm hiểu về hai hệ thống tư duy của con người:

  • Tư duy nhanh: Đây là hệ thống tư duy tự động, dựa trên trực giác và kinh nghiệm. Nó giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng trong những tình huống quen thuộc.

  • Tư duy chậm: Đây là hệ thống tư duy có ý thức, đòi hỏi sự tập trung và phân tích. Nó giúp chúng ta giải quyết những vấn đề phức tạp, đưa ra những quyết định quan trọng và sáng tạo.

Ví dụ nhé, hôm trước mình có lái xe một chuyến đến Hạ Long chơi. Khi ở trên cao tốc, mình tập trung đến mức không nói chuyện với ai trên xe. Mình để ý từng biển báo, check kim tốc độ và nhìn gương mỗi 5s. Đây là lúc mình sử dụng tư duy chậm. Lí do thì bởi vì khi đang lái xe ở tốc độ hơn 100km/h, chỉ cần sơ suất một chút thôi là lên thiên đàng như chơi.

Sau khi rời cao tốc và đi vào phố, mình mới chill hơn một chút, thả lỏng cơ mặt, bật nhạc và bắt đầu chém gió với mọi người. Bởi lẽ mình đã quen với việc lái xe trên phố rồi, và mình khá tự tin là mình có thể phản ứng kịp khi lái xe ở tốc độ này. Nói cách khác là mình đã chuyển sang trạng thái tư duy nhanh.

Hiểu nôm na là tư duy nhanh giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng, tự động (lái xe trong phố) mà gần như không phải nghĩ, còn tư duy chậm để dành cho những việc “cần não” nhiều hơn (lái xe trên cao tốc).

Theo cuốn sách “Tư duy, nhanh và chậm”, tới 90% quyết định của chúng ta được đưa ra bởi tư duy nhanh. Thậm chí, có những ngày mình vô tri đến mức chỉ dùng tư duy nhanh. Đây chính là cách chúng ta tối ưu và tiết kiệm năng lượng.

Nhưng, câu chuyện lái xe vẫn còn. Một phần vì quá chủ quan, một phần vì đã dành hết sự tập trung khi lái xe trên cao tốc, lúc lái xe xuống phố mình đã bất cẩn quệt một phát vào một xe bên cạnh. Kết quả phải đền tiền và báo cả đoàn phải chờ đợi.

Đây chính là điểm yếu của tư duy nhanh. Những quyết định được đưa ra bởi tư duy nhanh tuy nhanh thật đấy nhưng có độ chính xác không cao, dôi khi còn bị ảnh hưởng bị định kiến và thiên vị.

Chapter 02

Rồi biết cái này để làm gì nhở?

Chapter 02

Rồi biết cái này để làm gì nhở?

Hiểu về cách não bộ vận hành từng loại tư duy sẽ giúp chúng ta phân bổ năng lượng và tối ưu năng suất của bản thân. Cụ thể là:

Sử dụng từng hệ thống tư duy vào đúng mục đích

Bạn còn nhớ viên pin của chúng ta chỉ có dung lượng nhất định mỗi ngày không? Thế thì hãy thử đánh giá độ quan trọng của từng quyết định, rồi quyết định xem đâu là những việc đáng để đầu tư nhiều năng lượng. Cách dễ nhất là với mỗi việc mình cần làm, bạn hãy đặt câu hỏi: Mình có cần làm tốt việc này không? Và chọn một trong hai đáp án:

A. Có, mình cần làm chuẩn chỉ

B. Sao cũng được, không quan trọng lắm

Nếu câu trả lời của bạn là A, thì hãy thật sự chú tâm và sử dụng tư duy chậm để giải quyết nó. Còn ngược lại, một khi đã là B, thì hãy xác định là chỉ cần phiên phiến thôi.

Với mình, những việc mình cần làm chuẩn chỉ là viết truyện, đọc sách hay xin visa đi nhậu. Một khi đã bắt tay vào làm thì mình sẽ bắt bản thân mình thật tập trung và suy nghĩ thật kỹ để hoàn thành những công việc này.

Trong khi đó, những việc “sao cũng được” sẽ là ăn gì, đi chơi đâu, mặc gì… ⇒ Cho chị nhà quyết hết, mình đồng ý cả hai tay. Thậm chí, riêng với chuyện ăn mặc, mình đã xây dựng tủ quần áo của mình sao cho mỗi sáng, mình chỉ cần rút bừa một cái áo, một cái quần và một đôi giày bất kỳ là được, không bao giờ phải nghĩ xem áo này mặc với quần gì, đi giày nào.

Và tất nhiên đáp án của câu hỏi trên là khác nhau với mỗi người. Mình có thể ăn gì cũng được, mặc quần áo chỉ cần gọn gàng thôi là ô kê. Nhưng với các bạn KOLs, reviewer, thì rõ ràng là sẽ kỹ càng hơn trong việc ăn uống hay quần áo rồi.

Còn nữa, nếu mà với tất cả mọi việc, chúng mình luôn muốn chuẩn chỉ hết mức, thì khá SOS đấy. Cái gì cũng quan trọng thì có lẽ là không có cái gì thật sự quan trọng hơn cả, hoặc kể cả nếu mình có nhất quyết sử dụng tư duy chậm để làm hết chừng đó việc thì chúng mình cũng sẽ hết pin rất nhanh.

Biến những việc khó thành việc dễ

Bạn đã nghe câu “Trăm hay không bằng tay quen” chưa?

Ngày xưa mình có học chơi rubik. Lúc mới đầu thì phải nhớ xem mỗi pattern thì cần sử dụng công thức nào để giải, rồi mỗi bước trong công thức thì sẽ xoay như thế nào,…nói chung là rất nhiều cái phải nhớ, lúc nào mình cũng có một tập giấy in công thức bên cạnh. Nhưng rồi dần dần, tay và mắt mình đã thạo đến mức chỉ cần liếc qua là đã biết cách giải, thậm chí đầu không còn nhớ công thức mà tay cứ tự xoay ra thôi.

Mấu chốt ở đây là việc lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại cho đến khi thành thạo, không cần phải nghĩ nữa thì thôi. Về cơ bản thì đây là hình thức mà tư duy chậm bàn giao lại task cho tư duy nhanh.

Tương tự trong cuộc sống, nếu chúng mình chỉ cần biến được một vài việc cần sử dụng tư duy chậm thành những việc có thể sử dụng tư duy nhanh thì cũng đã tiết kiệm được một đống năng lượng rồi.

Kết hợp tư duy nhanh và chậm cùng lúc

Bạn có bao giờ để ý lúc bạn tập trung làm việc một việc gì đó, thường thì bạn cũng sẽ làm song song một việc “vô tri” khác không? Ví dụ như vừa xoay bút vừa đọc sách, hay để hai tay sau lưng, đi đi lại lại trong khi nghĩ lời giải cho một câu hỏi khó chả hạn.

Những hành động “vô tri” đó thực ra là những việc được não bộ giao phó tư duy nhanh đảm nhiệm, để tránh gây ảnh hưởng đến sự tập trung của tư duy chậm, giống như đưa cho trẻ con cái iPad để nó không làm phiền bố mẹ làm việc ấy. Tuy nhiên có một số sai lầm khá phổ biến trong việc kết hợp tư duy nhanh và chậm:

Thứ nhất là Đa nhiệm. Đây là khi chúng mình làm cùng lúc nhiều việc có độ khó tương đương nhau. Ở ví dụ trên, đọc sách là việc đòi hỏi nhiều năng lượng, còn xoay bút là việc không cần phải nghĩ. Nhưng thử nghĩ xem nếu vừa đọc sách, vừa làm một việc khó tương tự như chơi game, đảm bảo là vừa thua vừa không nhớ được gì cả.

Thứ hai là làm các việc khó và dễ lần lượt thay vì song song. Ví dụ như khi mình vừa đọc sách 1 phút lại quay ra lướt Facebook mấy phút thì không khác nào lúc rảnh thì đưa cho con iPad, lúc bận thì lại thu iPad cả - kết quả là lúc cần tập trung thì vẫn không tập trung được.

Chapter 03

Kết bài

Chapter 03

Kết bài

Hiểu rõ về tư duy nhanh và chậm, chúng mình sẽ không chỉ tiết kiệm được năng lượng tinh thần mà còn đưa ra những quyết định tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn. Bằng cách phân bổ năng lượng hợp lý, biến những việc khó thành việc dễ và kết hợp hài hòa cả hai loại tư duy, chúng mình tin là bạn có thể mở khóa ra một phiên bản năng suất hơn của chính mình.

Chúc các bạn quản lý năng lượng của mình một cách hiệu quả!

See you ngày mai!