Healing & Mindset

Làm thế nào để tự học hiệu quả

🕔 8 thg 1, 2025

🧑‍🎓 Ông Giáo, Khánh Đàm

Lại là giờ này hằng năm, chúng mình chuẩn bị tổng kết lại những gì mình đã làm trong năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới. Trong năm nay, mọi người có học được thêm kỹ năng gì mới không?

Với mình thì năm nay mình đã cố gắng học được 7749 kỹ năng mới, nhưng đa số là không đạt được kết quả mình mong muốn. Tuy nhiên, trong số đó, may thay vẫn có một vài kỹ năng mà mình học được tương đối thành công, nổi bật nhất là học được thêm một ngôn ngữ, đó là tiếng Trung. Mình bắt đầu học tiếng Trung từ đầu năm nay, và đến bây giờ trình độ của mình là HSK4. Để dễ so sánh thì trình độ này tương đương với IELTS 5.5 đến 6.0 trong tiếng Anh - thứ mà mình đã mất gần 8 năm để đạt được. Và lần này mình đã làm được trong một năm chỉ bằng cách tự học.

Điều này đã làm mình nhận ra sức mạnh của việc tự học, và mình tin tự học là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, giúp cho bất kỳ ai, ở bất kỳ lĩnh vực nào, phát triển bản thân và tạo ra nhiều giá trị hơn.

Do đó, trong bài viết này, mình sẽ phân tích cách tự học mà mình tin là hiệu quả. Và yên tâm là bài viết này sẽ không giống 1000 bài viết khác về chủ đề này đâu.

Chapter 01

Tại sao mình cần tự học nhỉ?

Chapter 01

Tại sao mình cần tự học nhỉ?

Việc học là quan trọng, đó là một lẽ dĩ nhiên. Hiện tại, nhìn ra xung quanh, những kỹ năng mà cách đây nhiều năm được coi là “hiếm” dần trở thành một tiêu chuẩn, ví dụ như tốt nghiệp đại học. Điều này đồng nghĩa với việc chúng mình ngày càng được trang bị nhiều kỹ năng giống nhau hơn, và dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh cao hơn trong thị trường lao động và cả trong cuộc sống nói chung. Lúc này, để khiến mình trở nên “hiếm” hơn, việc học thêm các tệp kỹ năng mới là rất cần thiết.

Nhưng, cuộc sống không dễ dàng gì. Khi học, chúng mình cần 3 loại học phí:

  • Học phí về tài chính: tức là tiền chúng mình đóng học

  • Học phí về năng lượng: tức là năng lượng thể chất và tinh thần chúng mình bỏ ra để học

  • Học phí về thời gian: tức là thời gian chúng mình dành ra để nạp kiến thức vào đầu

Thời chúng mình còn đi học, có thể nói đa số chúng mình khá “dư dả” trong ngân sách học phí. Phần lớn chúng mình sẽ dành hầu hết thời gian và năng lượng vào việc học, và cũng sẽ được nhà trường và gia đình hỗ trợ ít nhiều về học phí. Nhưng đó là quá khứ.

Sau khi chúng mình ra trường, chúng mình sẽ phải bóp hầu bao lại để sử dụng cho những mối bận tâm khác. Ngân sách của chúng mình không còn nhiều. Mỗi ngày ngoài đi làm và ngủ nghỉ, chúng mình chỉ còn đâu đó 3 tiếng rảnh rang. Năng lượng của chúng mình cũng dần cạn kiệt sau cả ngày dài đi làm. Và sẽ không còn nhà trường nào hỗ trợ về mặt tài chính nữa, hay gia đình cũng không thể chu cấp cho chúng mình mãi được.

Với một ngân sách ít ỏi và ngần đó áp lực, việc tham gia một khóa học ngắn hạn cũng đã khá xa xỉ rồi, nói gì đến việc đi học. Thôi thì, có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Để tiết kiệm ngân sách, chúng mình cần tự học.

Chapter 02

Tự học 101

Chapter 02

Tự học 101

Bước 1: Xác định mục tiêu

Trước tiên, mọi người có bao giờ để ý, khi chúng mình làm một điều gì mà chúng mình muốn làm, thì chúng mình sẽ làm nó một cách đam mê nhiệt huyết hơn là khi phải làm thứ mà người khác bảo mình làm không?

Điều mình muốn, hay tiếng nói bên trong mình là Intrinsic Motivation, trong khi những động lực bên ngoài, ví dụ như điều mà người khác muốn ở mình là Extrinsic Motivation.

Để hiểu rõ hơn về hai loại động lực này, mọi người có thể xem video bài diễn giảng của anh Chung tại UXVN nhé!

Khi chọn một lĩnh vực hay kỹ năng mới để học, hãy luôn cố gắng bắt đầu từ Intrinsic Motivation. Những điều đau đáu sẽ là động cơ để chúng mình đi tiếp trong những lúc khó khăn nhất.

Ví dụ, mình chọn học tiếng Trung vì bản thân mình muốn đi du học ở Trung Quốc trong thời gian tới, mình chọn học 3D vì mình thích tự thiết kế đồ decor trong phòng mình, v.v…

Nhưng nếu mọi người phải học một kỹ năng gì mới chỉ đơn giản thì phải học, thì thôi cũng hãy hoan hỉ và cố gắng làm nó thật tốt. Ngoài ra thì ở dưới mình cũng sẽ có cách để làm cho việc này đỡ nhàm chán hơn nhé!

👉 Key Takeout #1: Hãy luôn cố gắng học thật tốt bất kể mình có muốn học hay không

👉 Key Takeout #2: Nếu được lựa chọn, hãy chọn một kỹ năng mình thích để theo đuổi

Tiếp theo lại là một câu hỏi: Mọi người có bao giờ để ý, khi được giao một việc gì đó có yêu cầu về kết quả cụ thể, chúng mình sẽ thực hiện nó dễ hơn hẳn so với những việc mà chả biết kết quả cuối cùng là gì không. Đấy là tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu.

Trong bài viết Sao những dự định năm ngoái còn nhiều quá vậy?, chúng mình đã đề cập cách để đặt một mục tiêu tốt. Nôm na thì một mục tiêu tốt sẽ đáp ứng đủ 5 yếu tố: Specific (Cụ thể), Measurable (Có thể đo đạc được), Achievable (Khả thi), Realistic (Thực tế), Time-bound (Có deadline), viết tắt là S.M.A.R.T.

Với việc học tiếng Trung, mục tiêu mà mình đặt vào giờ này năm ngoái là:

Mình sẽ đạt HSK3 vào cuối năm nay.

Trong đó:

  • Specific (Cụ thể): Mình thấy được cuối cùng mình sẽ cần có kết quả gì

  • Measurable (Có thể đo đạc được): HSK3 tức là biết 700 từ vựng và 30 cấu trúc nền tảng, thi 3 kỹ năng nghe, đọc và viết, tổng điểm đỗ là 60%

  • Achievable (Khả thi): Mình dốt đặc, chưa biết chữ gì nên được HSK3 là quá mừng rồi

  • Realistic (Thực tế): Mình đi làm 8 tiếng, công ty xa nhà, có thêm 2 việc part-time nữa nên sẽ cần lâu hơn trung bình (9 tháng) một chút để đạt được mục tiêu này

  • Time-bound (Có deadline): Cuối năm tức là 31/12/2024

👉 Key Takeout #3: Hãy đặt mục tiêu phù hợp

Bước 2: Học thật vững cơ bản

Giống như việc xây nhà vậy, dù có thiết kế theo phong cách nào, cổ điển quý tộc hay hiện đại mới mẻ thì móng vẫn phải chắc đã. Với việc tự học, chúng mình sẽ cần nắm chắc những điều cơ bản nhất.

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng mình đã mắc sai lầm trong giai đoạn đầu tiên do thích nhảy cóc để học cho nhanh. Hồi mình tự học đàn guitar, có một số hợp âm tuy cơ bản nhưng khá là khó bấm, nên mình đã chọn đi đường tắt bằng cách thay đổi vị trí các ngón tay một chút để đệm hát được luôn. Mãi đến sau này khi mình chơi những bài phức tạp hơn, mình mới nhận ra những hợp âm tuy có vẻ khó bấm kia thực chất là để quá trình chuyển hợp âm được mượt mà hơn. Nhưng lúc này, mình đã quá quen với cách chơi sai rồi, nên phải mất rất nhiều thời gian để mình loại bỏ thói quen này và chơi chuẩn chỉ hơn. Tin mình đi, việc un-learn, tức là quên đi một kiến thức sai mà mình đã áp dụng trong một thời gian dài sẽ khó rất rất nhiều so với việc học cẩn thận và chuẩn chỉ ngay từ đầu.

Nếu chúng mình bỏ qua cơ bản, có thể đôi lúc chúng mình sẽ ra được thành quả nhanh hơn, cảm giác đã hơn. Đánh được một bài hát dù mới tập đàn được vài ngày rõ ràng đã hơn là học cơ bản từng nốt nhạc, hay thiết kế được một màn hình khét lẹt sẽ đã hơn là học các nguyên lý thiết kế. Nhưng việc nắm chắc kiến thức cơ bản mới là yếu tố kiên quyết giúp chúng mình đi được xa.

👉 Key Takeout #4: Những thứ cơ bản khó đưa ra kết quả ngay, thậm chí đôi khi khá nhàm chán nhưng nó lại là chìa khóa để đi được xa.

Bước 3: Nâng cấp phương pháp học của riêng mình

Qua được giai đoạn đầu rồi cũng là lúc mọi người đã có được nền tảng đủ vững trong kỹ năng mình đang học. Tiếp theo sẽ nâng cấp phương pháp học một cách cá nhân hóa để tối ưu năng suất học.

Đây là phần quan trọng nhất, nhưng cũng đáng tiếc là mình không có một đáp án cụ thể nào cả.

Bởi lẽ, không có phương án tốt nhất, chỉ có phương án phù hợp nhất. Dưới đây mình sẽ chỉ ra từng bước để mọi người có thể tự nâng cấp phương pháp học phù hợp nhất với bản thân mình nhé.

Bước 1: Tự đánh giá

Sau một khoảng thời gian học các kiến thức cơ bản, chúng mình đã phần nào có một cách học cụ thể. Lúc này chúng mình có thể tự đánh giá xem mình đã tiến bộ đến đâu và phương pháp học hiện tại có điểm gì hiệu quả và điểm gì chưa hiệu quả.

Với mình, trong ba tháng đầu tiên tự học tiếng Trung, mình đã học bằng Duolingo, khoảng 15 phút mỗi buổi sáng trước khi đi làm. Lúc này, mình đã biết được khoảng 200 từ vựng cơ bản. Tiến độ này không quá tồi. Tuy nhiên, mình chỉ nhận ra các từ vựng này trong một ngữ cảnh nhất định thôi, vì mình không quá nhớ mặt chữ. Điều này đồng nghĩa với việc mình không thể tự viết được chữ Hán, dẫn đến việc sử dụng cũng bị hạn chế.

Ngoài ra còn một vài vấn đề khác, nhưng mình đã xác định được vấn đề nghiêm trọng nhất: Không nhớ mặt chữ.

Bước 2: Thử nghiệm các phương pháp

Sau khi đã xác định được vấn đề, chúng mình sẽ lần lượt thử nghiệm các giải pháp mà mình có thể nghĩ ra.

Để khắc phục việc không nhớ mặt chữ, mình bắt đầu thử nghiệm các phương pháp khác nhau. Đầu tiên là mình tăng tần suất tiếp xúc của bản thân mình với các từ mà mình không nhớ. Hên một cái, mình tìm thấy ứng dụng Hanzii Dictionary khá tốt cho phép mình tạo Widget trên màn hình điện thoại (mình không được tài trợ nhé!). Thế là mình bắt đầu thêm từ vựng để ứng dụng này hiển thị cho mình những từ mình không nhớ.

Bước 3: Phản hồi

Sau khi thử nghiệm rồi, chúng mình lại tiếp tục đánh giá xem giải pháp trên có hiệu quả với bản thân mình hay không.

Sau khi dùng Widget, mình nhận ra là nó không hiệu quả với mình như mình kỳ vọng. Lí do là vì khi mở điện thoại mình thường có một nhu cầu cần giải quyết ngay, nên trừ khi mình mở điện thoại để tra từ điển, mình sẽ không để ý lắm vào cái Widget kia nói gì.

👉 Key Takeout #5: Không phải lúc nào chúng mình cũng tìm ra phương pháp học hiệu quả ngay

Bước 4: Quay lại bước 2

Trong đa số trường hợp, chúng mình sẽ mất nhiều lần thử nghiệm để có thể tìm ra phương pháp học phù hợp.

Sau khi nhận ra việc học qua Widget không hiệu quả lắm, mình thử nghiệm tiếp với một vài việc khác như dán sticky note trên bàn làm việc, làm flashcard hay viết từ vựng lên vở,… Đến cuối cùng thì mình một chốt được một phương pháp cụ thể là: Mỗi ngày tập viết 15 từ mới, ôn tập lại sau đó 1 ngày, rồi 2 ngày và 3 ngày, nếu còn quên thì lặp lại sau 4 ngày. Đây là phương pháp Spaced Repetition mà mình học được từ lúc dùng Duolingo.

Nếu đã tìm được phương pháp học hiệu quả với bản thân, hãy sang bước tiếp theo. Còn nếu không, hãy cứ kiên trì quay lại bước 2 nhé!

Bước 5: Tối ưu

Sau khi đã tìm được phương pháp học phù hợp, giờ chúng mình sẽ tối ưu để làm nó hiệu quả và phù hợp hơn nữa. Trong bước này, mình thường sẽ tìm cách để việc học được “tích hợp” vào trong cuộc sống của mình, khiến cho mình lúc nào cũng có thể học mà không cảm thấy quá mệt mỏi. Dưới đây là một vài mẹo để tối ưu việc học.

Thứ nhất, làm cho việc học trở nên vui. Tại sao chúng mình có thể lướt Facebook Tiktok cả giờ nghỉ trưa, tại sao chúng mình có thể chơi game cả tối? Đơn giản, vì nó vui.

Việc học cũng tương tự như vậy. Khi chúng mình học và có thể áp dụng kiến thức vào những việc sẵn đã làm chúng mình hứng thú, chúng mình sẽ nhớ kiến thức lâu hơn và cũng sẽ thấy việc học “nhẹ nhàng” hơn. Đây cũng là cách để khiến cho những kỹ năng mà mọi người “phải” học trở thành kỹ năng mà mọi người “được” học.

Việc làm bản thân vui với mỗi người là khác nhau. Với mình là chơi game và viết, nên mình sẽ chơi game bản tiếng Trung, cãi nhau với game thủ Trung Quốc, hay viết nhật ký và blog bằng tiếng Trung. Điều này giúp 2 tiếng học tiếng Trung mỗi ngày của mình trở thành thời gian chữa lành thay vì là địa ngục như thời học tiếng Anh, và giúp mình có thể duy trì được thói quen học đều đặn không bỏ ngày nào.

Tương tự, mọi người có thể tìm một sở thích sẵn có của mình và tìm cách kết hợp nó với kỹ năng mình đang học.

👉 Key Takeout #6: Việc học không nhất thiết phải nhàm chán, có rất nhiều cách để nó trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng.

Thứ hai là nghĩ bằng kiến thức mình đang học. Phần này nghe có vẻ khó hiểu, nhưng thật ra rất đơn giản. Ví dụ là khi người bình thường nhìn vào một dòng chữ, họ sẽ nhìn nội dung chữ đó viết gì. Nhưng khi designer cũng nhìn vào dòng chữ đó, họ sẽ để ý xem đây là font family gì, có lỗi Việt hóa không, spacing như thế nào,… Đây là cách nghĩ của Designer, và cũng là cách họ liên tục thực hành kỹ năng trong bất kỳ tình huống nào.

Lại quay về với việc học ngôn ngữ, một điều mình thấy vô cùng hữu ích đó là: Thay vì nghĩ bằng tiếng Việt rồi dịch sang ngôn ngữ mình đang học, hãy nghĩ luôn bằng ngôn ngữ đó. Điều này giúp cho mình học được cách tận dụng được những kiến thức mình đang có và nhận ra những kiến thức mình còn thiếu.

Với kỹ năng mà mọi người đang học, hãy chủ động tìm và nắm bắt mọi cơ hội để ép mình nghĩ bằng kiến thức đó.

👉 Key Takeout #7: Hãy nghĩ bằng kỹ năng mình đang học

Bước 6: Làm nó thật nhất quán và kỷ luật

Sau khi đã làm được tất cả các bước trên, mình đã khá tự tin vào khả năng và độ hiệu quả của việc tự học của bản thân, điều này khiến mình chủ quan và có phần hơi buông lỏng. Thay vì có một lịch học cố định, mình chuyển qua học khi nào mình “rảnh”. Nhưng mọi người biết đấy, lúc rảnh cũng là lúc có nhiều thứ thú vị hơn, vui hơn tranh giành sự tập trung của mình. Và thế là dần dần mình học từ 7 lần một tuần, xuống còn 4 lần, 2 lần và rồi có lúc lười thì nghỉ luôn cả tuần. Cứ thế đến lúc mình mở sách vở ra học lại, mình gần như đã quên hết những gì mình đã học, khiến cho mình càng mất động lực học hơn.

Vậy là cuối cùng mình lại phải siết chặt kỷ luật hơn, việc học trở thành một việc mình làm mỗi ngày, và mình coi đó là khoảng thời gian mà mình “bận”, không có việc nào được phép chen vào. Điều này giúp mình liên tục nạp kiến thức mới và nhớ được các kiến thức cũ một cách đều đặn.

Ngoài ra thì việc giữ kỷ luật nghe có vẻ rất khó lúc ban đầu, nhưng hãy yên tâm là mọi người làm nó càng đều đặn thì nó sẽ càng ngày càng dễ hơn. Mình tin là nếu mọi người đã làm được đến bước này, thì mọi người đã có đủ sự đam mê và việc học của mọi người cũng đã rất thú vị rồi, cố gắng lên nhá!

👉 Key Takeout #8: Kỷ luật có thể khó lúc đầu nhưng sẽ ngày càng dễ, và nó là chìa khóa để phát triển bền bỉ

Bước 7: Nghỉ ngơi

Có những khoảng thời gian dù mình đã học rất kỷ luật trong một thời gian dài, nhưng càng ngày mình càng cảm thấy khả năng ghi nhớ kiến thức của mình càng ngày càng kém đi. Đó là lúc mình quyết định nghỉ ngơi.

Nghe có vẻ trái ngược với bước trên, nhưng để mình thử lấy một vài ví dụ. Một chiếc xe không thể cứ đi mãi, nó cần dừng lại để đổ xăng và để cho động cơ hạ nhiệt. Các vận động viên chạy marathon không thể chạy liên tục 42km về đích, họ cũng cần có những lúc chậm lại để ổn định nhịp tim.

Não bộ của chúng mình cũng vậy, sẽ không hoạt động hiệu quả liên tục được mãi mà cần có những khoảng nghỉ.

Đây là lí do mình cho phép bản thân mình vô kỷ luật và dừng học một chút. Tuy nhiên, để tránh bản thân mình trôi vào trạng thái vô kỷ luật hoàn toàn như trước, mình phát hiện ra một mẹo đó là “Vô kỷ luật một cách có kỷ luật”. Đó là thay vì học liên tục mỗi ngày, mình sẽ dành riêng ra một ngày không học trong tuần để bản thân được nghỉ ngơi.

👉 Key Takeout #9: Kỷ luật là con dao hai lưỡi, lạm dụng kỷ luật sẽ khiến mình kiệt quệ, nên hãy đừng quên cho phép mình nghỉ ngơi.

Lời nhắn

Như vậy, mình đã phân tích và đúc kết ra phương pháp để tự học mà theo mình là hiệu quả nhất cũng như chỉ ra một vài lỗi sai của mình trong quá trình học. Trong đó các lời khuyên quan trọng nhất là:

  1. Hãy luôn cố gắng học thật tốt bất kể mình có muốn học hay không

  2. Nếu được lựa chọn, hãy chọn một kỹ năng mình thích để theo đuổi

  3. Hãy đặt mục tiêu phù hợp

  4. Những thứ cơ bản khó đưa ra kết quả ngay, thậm chí đôi khi khá nhàm chán nhưng nó lại là chìa khóa để đi được xa.

  5. Không phải lúc nào chúng mình cũng tìm ra phương pháp học hiệu quả ngay

  6. Hãy tìm một việc mình thích và tích hợp kỹ năng đang học vào

  7. Hãy nghĩ bằng kỹ năng mình đang học

  8. Kỷ luật có thể khó lúc đầu nhưng sẽ ngày càng dễ, và nó là chìa khóa để phát triển bền bỉ

  9. Kỷ luật là con dao hai lưỡi, lạm dụng kỷ luật sẽ khiến mình kiệt quệ, nên hãy đừng quên cho phép mình nghỉ ngơi.

Vậy còn mọi người thì sao, năm mới mọi người muốn học kỹ năng gì? Hãy thử áp dụng các lời khuyên trên và cho chúng mình biết vào lần reflection sau nhé!

See you ngày mai!

Copyright © 2023 UX Foundation. All Rights Reserved

Thông tin liên hệ

Email: hello@uxfoundation.vn

Hotline: 090 628 2907 (Ms. Ngân)

Copyright © 2023 UX Foundation. All Rights Reserved

Thông tin liên hệ

Email: hello@uxfoundation.vn

Hotline: 090 628 2907 (Ms. Ngân)

Copyright © 2023 UX Foundation. All Rights Reserved

Trang chủ
Về chúng tôi
Danh sách khóa học

UI Foundation

For Start 🐣

Psychology in UX Design

For Growth 🦊

UX Foundation

For Everyone 🦁

🏃‍♂️ Tìm lối thoát