Healing & Mindset

Làm thế nào để xin tăng lương?

🕔 18 thg 11, 2024

🧑‍🎓 Ông Giáo, Khánh Đàm

Lần gần nhất bạn bước vào một buổi reivew lương đã diễn ra như thế nào?

Với mình thì… tràn đầy hy vọng. Mức tăng sẽ là bao nhiêu nhỉ? 20% hay 30%? Để rồi, trong cả buổi review đó, mình bị vùi dập không thương tiếc, và ngậm ngùi bước ra với mức tăng không như kỳ vọng, hay có lần tệ hơn là không được tăng lương.

Với cương vị là người đã trải qua không ít lần như thế, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cách chúng mình đối mặt với sự bi thương này.

Chapter 01

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc mình được tăng lương

Chapter 01

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc mình được tăng lương

Khi làm việc được một khoảng thời gian tuy không ngắn những cũng không dài, thường là 6 tháng hay 1 năm, chúng mình thường sẽ kỳ vọng một mức tăng lương. Góc nhìn của chúng mình rất đơn giản: “Tôi đã làm ở đây X năm rồi, tôi đã tiến bộ nhiều lắm rồi, tỷ lệ lạm phát năm nay là Y%, nên tôi muốn được tăng lương!”

NHƯNG

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố quyết định chúng mình có được tăng lương hay không, như thị trường, công ty, sếp hay giá trị của bản thân,… Và chỉ cần một trong các yếu tố đó không đạt đủ điều kiện, chúng mình sẽ không được tăng lương.

Lấy một ví dụ khác, sắp Tết rồi, ngoài Bắc chúng mình là sắp được ngắm hoa đào rồi, nhưng mọi người có biết làm thế nào để hoa đào nở đẹp không?

Có rất nhiều yếu tố trong đó, mà chủ yếu nhất là:

  • Thời tiết: phải là mùa xuân, tức là trước đó phải trải qua một mùa đông lạnh, rồi trời trở ấm lên. Nếu mùa đông không lạnh, hay đến tết mà trời không ấm lên, thì hoa đào không thể nở được.

  • Sự chăm sóc: các bác nông dân sẽ cần tưới tiêu, đặc biệt là cần cắt bớt lá để dồn dinh dưỡng của cây đào vào hoa. Thiếu sự chăm sóc kỹ càng này, hoa đào cũng không nở được.

  • Bản thân giống của cây đào: Nếu giống của cây đào đã là hoa nhỏ, ít cánh, thì dù thời tiết có đẹp cỡ nào, chăm sóc kỹ cỡ nào, thì cũng không thể nở to đẹp được.

Chỉ cần thiếu một trong các yếu tố trên, hoa đào sẽ không nở, hoặc chí ít là nở nhưng không đẹp.

Điều này cũng giống như việc tăng lương, chỉ cần thiếu một yếu tố thôi là chúng mình đã không được tăng lương rồi, hoặc tăng nhưng không đáng kể.

Chapter 02

Chúng mình không kiểm soát được tất cả các yếu tố

Chapter 02

Chúng mình không kiểm soát được tất cả các yếu tố

Trong các yếu tố quyết định mình có được tăng lương hay không, có rất nhiều yếu tố mà chúng mình gần như không thể kiểm soát được. Dưới đây là một vài yếu tố như vậy:

Thị trường

Đầu tiên là Thị trường. Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Dĩ nhiên là khi thị trường đã bão hòa hoặc đang đi xuống thì chúng mình có giỏi đến cỡ nào cũng khó lòng được tăng lương.

Để biết thị trường đang ra sao, hãy thử tìm đáp án cho các câu hỏi kiểu:

  • Với mức lương hiện tại của mình, công ty có thể tuyển được ai như mình không?

  • Các công ty đang tuyển vị trí của mình với offer bao nhiêu?

  • Những người làm cùng ngành nghề với mình, họ có đang thất nghiệp nhiều không? Nếu không, mức lương của họ đang là bao nhiêu?

⇒ Tóm lại, đây là một yếu tố chỉ có ông trời mới quyết định được.

Nếu thị trường đang không tốt thì gần như chịu, còn nếu thị trường đang ổn định thì ngon, tiếp tục đến yếu tố tiếp theo.

Công ty của chúng mình

Tiếp theo là Công ty của chúng mình. Có nhiều yếu tố trong từng công ty, nhưng chung quy lại, điều then chốt là: Mỗi phòng ban có ngân sách tăng lương trong năm tới không? Nếu không thì có cố mấy cũng không được tăng, còn nếu có thì: Ngân sách tăng lương trong năm tới là bao nhiêu?

Ví dụ: Nếu budget tăng lương của cả team Design là 10%, thì kịch trần chúng mình cũng chỉ được tăng 10% thôi, hoặc giỏi lắm được tăng hơn thì sẽ có người khác không được tăng.

⇒ Đây thường cũng là thông tin được bảo mật rất kỹ trong công ty, nên gần như chúng mình sẽ chẳng bao giờ biết được con số cụ thể là bao nhiêu.

Giả sử công ty đã có budget tăng lương rồi, chúng mình chuyển qua xem yếu tố tiếp theo.

Người quản lý

Tiếp nữa là người quản lý, là người sẽ quyết định xem chúng mình có xứng đáng được tăng lương hay không. Cách người quản lý ghi nhận chúng mình cũng sẽ không thể 100% khách quan với những gì chúng mình đem lại, vì dù gì người quản lý cũng là con người. Mà con người thì sẽ có cảm xúc và thiên kiến.

Ví dụ như bạn này được sếp quý hơn, bạn kia là họ hàng của sếp, hay đơn giản là hôm review lương sếp vừa cãi nhau với vợ thôi, là tỷ lệ được tăng lương của chúng mình đã tụt đi nhiều rồi.

⇒ Mình không thể thay đổi được sếp, nên đây cũng là yếu tố mình không quyết định được

Wow, nhiều yếu tố dữ chưa, mà chỉ cần một trong số đó toang thôi là chúng mình không được tăng lương rồi. Và gần như trong 99% trường hợp, chúng mình sẽ không thể kiểm soát được những yếu tố như ở trên. Thôi thì, chúng mình đành kiểm soát cái mà chúng mình có thể kiểm soát vậy, đó là: Giá trị mình đem lại.

Chapter 03

Tập trung vào giá trị mình đem lại

Chapter 03

Tập trung vào giá trị mình đem lại

Giá trị được hiểu là những gì chúng mình đem lại cho công ty thông qua năng lực của mình. Nghe tưởng đơn giản, nhưng thực tế từ “Giá trị” lại có rất nhiều ý nghĩa mà mình từng bỏ qua.

Vậy sau đây là việc chúng mình cần làm để nâng cao và chứng minh giá trị của bản thân.

Bước 1: Làm việc thật tốt công việc của mình

Trước hết, hãy làm thật tốt những việc mình được giao, bất kể có thích hay không. Thật tốt ở đây là làm đúng và làm đủ. Hãy hạn chế tối đa những việc như trễ deadline hay kết quả kém chất lượng. Đây chính là điều kiện đủ của việc đem lại giá trị.

Sau khi đảm bảo được việc trên, hãy chủ động làm việc tốt hơn kỳ vọng. “Tốt hơn kỳ vọng” có thể có nhiều định nghĩa, vì kỳ vọng của mỗi công ty với nhân viên là khác nhau, tuy nhiên có thể chia thành 3 yếu tố chính: Thời gian (Time), Khối lượng công việc (Scope)Chất lượng (Quality).

Thử lấy một việc là Thiết kế website làm ví dụ nhé.

  • Thời gian (Time): Làm xong việc sớm hơn deadline.

    Ví dụ: Sếp yêu cầu thiết kế xong trong 1 tuần, nếu mình có thể hoàn thành chỉ trong 2-3 ngày tức là tốt hơn kỳ vọng. (À mà làm xong nhớ phải bảo là xong rồi nhé, chứ không phải xong sớm rồi ngồi chơi cho đến deadline)

  • Khối lượng công việc (Scope): Làm nhiều việc hơn được yêu cầu.

    Ví dụ: Sếp yêu cầu mình chỉ cần thiết kế thôi, nhưng mình phát hiện ra website có thể được làm trên Framer (một công cụ Web-builder), nên mình chủ động đề xuất và làm, giúp công ty tiết kiệm nguồn lực lập trình, cũng là tốt hơn kỳ vọng. (Tất nhiên là hãy đề xuất rồi hẵng làm nhé, vì Nhiệt tình + Mơ hồ = Báo)

  • Chất lượng (Quality): Làm ra thành phẩm chất lượng hơn được yêu cầu.

    Ví dụ: Sếp yêu cầu mình chỉ cần thiết kế cho Desktop và Mobile thôi, nhưng mình chủ động nghiên cứu thấy có nhiều khách hàng mục tiêu sử dụng Tablet, nên mình làm thiết kế cho cả kích thước này, cũng là tốt hơn kỳ vọng.

👉 Việc cần làm là: Làm việc tốt hơn kỳ vọng, bất kể công việc đó mình có thích hay không. Khi chúng mình làm đủ tốt những việc không thích, chúng mình sẽ được quyền lựa chọn làm những thứ mình thích nhiều hơn.

Bước 2: Lượng hóa giá trị mình đem lại và làm nó thường xuyên

Chắc mọi người, đặc biệt là các bạn Designer, đã quá quen với tình huống: Có ý định xin tăng lương hay nhảy việc nên bắt đầu xây dựng lại Portfolio, xong lúc đó nhận ra mình chả nhớ mình đã làm những gì…

Do đó, mỗi khi làm xong một dự án, hãy lưu trữ lại hết những điều quan trọng chứng mình được giá trị của mình, đừng để lúc gần review mới làm việc này. Nếu mọi người chưa quen việc lưu trữ này, hãy thử template sau:

  • Dự án mình được giao là gì?

  • Có những tiêu chí gì để đánh giá dự án này?

  • Cụ thể, mình đã làm gì để đạt được những tiêu chí đó?

  • Đâu là những thứ mình đã làm tốt hơn kỳ vọng?

  • Output (đầu ra) và Outcome (kết quả) của dự án này là gì?

  • Mình học được những gì?

Ở trên mình có nhắc đến hai thuật ngữ được sử dụng để đo lường giá trị: OutputOutcome:

  • Output (đầu ra): là những sản phẩm, dịch vụ, hoặc kết quả cụ thể mà một dự án hoặc quá trình tạo ra, thường được đo bằng các chỉ số định lượng.

  • Outcome (kết quả): là những tác động hoặc kết quả dài hạn của các output trên. Nó phản ánh những thay đổi hoặc cải thiện trong bức tranh tổng thể.

Ví dụ như mình mới hoàn thành việc thiết kế website của công ty chả hạn. Vậy Output có thể là: 5 trang, được responsive cho 3 loại thiết bị. Còn Outcome sẽ là: website đã giúp cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thêm bao nhiêu %, tỷ lệ giữ chân khách hàng thêm bao nhiêu %, hay giúp công ty tiết kiệm được bao nhiều tiền so với website cũ,…

Không khó để thấy Outcome mới là yếu tố giúp chúng mình chứng mình được giá trị mà mình đem lại cho công ty. Đây là thứ mà chúng mình cần tập trung đo lường, lưu trữ và thể hiện trong những buổi review.

Trước khi vào review, hãy tổng hợp tất cả những giá trị mà chúng mình đã ghi chép lại trong khoảng thời gian vừa qua. Việc tổng hợp này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, trong đó cách dễ nhất là chuẩn bị một slide ngắn gọn và xúc tích.

Trong buổi review, hãy bằng mọi giá tìm cơ hội để thể hiện tất cả các giá trị này để thuyết phục sếp là: Mình xứng đáng được công nhận (Vì phải công nhận đã thì mới được tăng lương).

👉 Việc cần làm là: Thường xuyên đo lường và ghi chép giá trị của bản thân, tập trung vào Outcome, sau đó thể hiện các giá trị này trong buổi review.

Bước 3: Chủ động đề xuất những công việc mình muốn làm trong tương lai

Việc cấp trên tăng lương cho chúng mình không chỉ đơn thuần là phần thưởng cho những gì chúng mình đã làm, mà còn là một khoản đầu tư cho những gì chúng mình sẽ còn đem lại trong thời gian sắp tới, cả ngắn hạn (6 tháng - 1 năm) hay dài hạn (vài năm). Vì vậy, hãy chủ động tìm hiểu những kế hoạch tương lai của công ty và lên kế hoạch chuẩn bị cho những kế hoạch đó. Sau đó, trong buổi review, hãy chủ động đề xuất những kế hoạch của bản thân nữa nhé!

Bước 4: Xin tăng lương

Xong tất cả các bước trên rồi, việc của chúng mình là đề cập đến việc tăng lương. Việc này phụ thuộc vào các tình huống trong buổi review nên sẽ không có một đáp án phù hợp cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, chúng mình đã chứng minh được:

  • Chúng mình đã, đang và sẽ làm được nhiều thứ có giá trị với công ty

  • Giá trị của chúng mình có thể lượng hóa được

  • Chúng mình chủ động trong công việc

Thì tỷ lệ cao là chúng mình sẽ được tăng lương xứng đáng với công sức và năng lực của bản thân, cũng như phù hợp với mức lương của thị trường.

Lời khuyên

Việc tăng lương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố chúng ta có thể kiểm soát được, có yếu tố thì không. Chỉ cần một yếu tố không ổn đều có thể dẫn tới việc không được tăng lương.

Tuy nhiên, như một câu nói mình rất thích: “Đủ nắng thì hoa sẽ nở”, thì mọi người hãy yên tâm, khi tập trung vào việc tạo ra giá trị của bản thân và chứng minh được giá trị đó, chúng mình sẽ còn có nhiều cơ hội để gia tăng thu nhập hơn.

Ngoài ra, còn một cách để có một bước nhảy trong vấn đề thu nhập, đó là: Nhảy vị trí hoặc Nhảy việc. Nhưng chủ đề này sẽ cần một bài viết dài, nên chúng mình sẽ chia sẻ sau nhé!

Chúc mọi người Tết năm nay có bánh chưng nhân thịt!

See you ngày mai!

Copyright © 2023 UX Foundation. All Rights Reserved

Copyright © 2023 UX Foundation. All Rights Reserved

Copyright © 2023 UX Foundation. All Rights Reserved

Trang chủ
Về chúng tôi
Danh sách khóa học

UI Foundation

For Start 🐣

Psychology in UX Design

For Growth 🦊

UX Foundation

For Everyone 🦁

🏃‍♂️ Tìm lối thoát