Case Study
Phân tích case study: Tính năng sinh lời tự động của Techcombank
🕔 20 thg 7, 2024
🧑🎓 Ông Giáo - Khánh Đàm
Thông tin chung
Case study này được phân tích một cách khách quan và không được tài trợ bởi Techcombank. Bài viết này được thực hiện vào tháng 7/2024, các số liệu được đề cập có thể sẽ thay đổi so với thời điểm viết.
Hãy tưởng tượng, bạn vừa hay tin mình được thừa kế số tài sản lên tới vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng. Với chừng ấy vốn, khả năng cao là bạn sẽ đem tiền đi đầu tư để sinh lời nhiều hơn.
Tùy thuộc vào sức khỏe của thị trường trong từng thời kỳ, khoản đầu tư của bạn có thể trải dài từ những loại tài sản tấn công như cổ phiếu, tài sản trú ẩn như vàng, hay an toàn hơn là mua trái phiếu hoặc gửi tiết kiệm.
Thậm chí là bạn có giữ tiền mặt để đón đầu những cơ hội đầu tư. Nhưng các cụ đã có câu “Đồng tiền đứng im là đồng tiền chết”. Càng giữ tiền mặt lâu đồng nghĩa với tài sản của bạn đang dần mất đi giá trị do ảnh hưởng của lạm phát.
Nếu gửi tiết kiệm thì quá kém linh hoạt và cũng không quá hiệu quả. Gửi kỳ hạn quá ngắn thì sinh lời chả được bao nhiêu, mà chỉ cần rút tiền sớm là mất hết lãi suất.
Mở bài đủ rồi, vậy câu hỏi là: Làm thế nào để bạn vừa có thể sinh lời từ số tiền mặt hiện có, vừa có thể linh hoạt sử dụng số tiền đó bất kỳ khi nào cần?
Câu trả lời nằm ở tính năng Tài khoản sinh lời tự động của Techcombank.
Tính năng này giúp người dùng tối ưu nguồn tiền nhàn rỗi trong chính tài khoản ngân hàng của mình. Với điều kiện tài khoản có số dư tối thiểu 10.000.000đ, số tiền còn lại sẽ được tự động chuyển sang ngăn số dư sinh lời để sinh lời qua đêm với lợi suất tối đa 3.3%/năm.
Người dùng được gì?
Tỷ lệ sinh lời này bằng, hoặc thậm chí ngang với lợi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng trong thời điểm hiện tại lận.
(nguồn: vn.economy.vn)
Để hiểu đơn giản thì bạn có thể nhận được tiền lãi ngang với gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng nhưng lại có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào mà vẫn có nguyên lãi của những ngày đã gửi.
Kèo thơm! Vậy là lợi ích của người dùng đã được đảm bảo. Nhưng ai cũng dùng tính năng này thì Techcombank có mà lỗ à?
Techcombank được gì?
Nâng cao tỉ lệ CASA
Trong ngành ngân hàng có một khái niệm tiền CASA (Current Account Savings Account) - tiền gửi không kỳ hạn, chính là số tiền bạn để trong tài khoản ngân hàng của mình. Ngân hàng chỉ phải trả cho khách hàng lãi suất khoảng 0.5%/năm, nhưng lại có thể cầm số tiền này đi đầu tư với lãi suất 12-20%/năm là chuyện bình thường.
Tức là, ngân hàng huy động được càng nhiều tiền CASA từ khách hàng thì biên lợi nhuận của họ càng cao vì có nhiều tiền để kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí vốn. Đồng thời, tỷ lệ CASA chính là một trong những thước đo chính cho sức khỏe của một ngân hàng.
Bạn còn nhớ điều kiện để tham gia tính năng Tài khoản sinh lời tự động là phải duy trì tối thiểu 10.000.000đ trong tài khoản không? Điều kiện này sẽ khiến khách hàng luôn có xu hướng duy trì tối thiểu 10.000.000đ trong tài khoản techcombank, hay thậm chí tập trung nguồn tiền của mình từ các ngân hàng khác về Techcombank để tối đa hóa lợi suất.
(Nguồn: Kết quả kinh doanh quý 4 năm 2023 của Techcombank)
Hãy tưởng tượng nhân 10 triệu đồng với hơn 13 triệu khách hàng của Techcombank thì... tha hồ tiền để đem đi cho vay. Riêng trong năm 2023, tổng lượng CASA của Techcombank đã là 181,5 nghìn tỷ đồng, và tất nhiên là dẫn đầu ngành.
(Nguồn: Vietnambiz)
Huy động vốn cho các công ty con
Trong năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán không được huy động vốn như một tổ chức tín dụng.
(Nguồn: ssc.gov.vn)
Trước đó, dịch vụ iSave của Techcom Securities được dùng để huy động vốn cho các hoạt động kinh doanh, trong đó chủ yếu là cho vay Margin. Chính sách mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ảnh hưởng tới nguồn thu nhập chính của công ty chứng khoán này. Cơ mà không sao, đã có Techcombank lo.
Nếu đọc kỹ điều khoản của tính năng Tài khoản sinh lời tự động, bạn sẽ thấy số tiền sinh lời này được huy động dưới dạng Ủy thác đầu tư.
Tức là số tiền của bạn sẽ được ủy thác cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh cho các công ty cùng hệ sinh thái như Techcom Securities hay Masterise Homes, một cách hoàn toàn hợp pháp. Ví dụ như ở đây, khi sử dụng tính năng Tài khoản sinh lời tự động, hệ thống sẽ tự động thực hiện các giao dịch chuyển tiền đến Masterise.
Trong khi đó, các công ty khác nếu huy động vốn bằng các phương pháp truyền thống như vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu thường sẽ phải chịu lãi lên tới 9-15%/năm, nhưng nhờ sử dụng vốn từ công ty cùng hệ sinh thái, con số này chỉ còn khoảng 3.3%/năm, quá hời luôn.
Bạn thấy đó, từ một nhu cầu chưa được giải quyết của người dùng, Techcombank đã biến nó thành một giải pháp mà cả người dùng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
Nhờ tính năng này, một số thành tựu được mở khóa ngay lập tức có thể kể đến như:
Tỷ lệ CASA ~40% vào năm 2023, dẫn đầu ngành
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu 14,8% vào năm 2023, duy trì vị thế đầu ngành
Lượng khách hàng mới cao kỷ lục 2,6 triệu trong năm 2023
Tính năng Tài khoản sinh lời tự động này cũng được xếp ngang hàng với các cột mốc lớn trước đó của Techcombank như Zero fee hay Techcombank Mobile App.
(Nguồn: Techcombank Keynote - Kỷ nguyên sinh lời tự động)
Khi làm về UX, ngoài giải quyết vấn đề cho người dùng, chúng ta cũng cần nắm rất rõ về cả lĩnh vực của sản phẩm, mô hình kinh doanh, cách doanh nghiệp đang tạo ra lợi nhuận... thì mới có thể tạo ra được những tính năng "đúng với nhu cầu người dùng" (Usefulness) đồng thời đem lại hiệu quả cao về kinh doanh.
Mà nếu bạn chưa biết Usefulness là 1 cấu phần nào trong UX thì hãy đọc lại truyện "Làm UX là làm gì thế?", chúng mình có phân tích cụ thể hơn.
Nhân tiện, việc nghiên cứu và đưa ra quyết định "Làm tính năng gì, cho ai?" cũng là nội dung của khóa học UX Foundation, bạn có thể tham khảo tại đây nhé!
Hy vọng bài viết này đã giúp cho bạn hiểu hơn về những tác động mà một thiết kế tốt có thể đem lại cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp. Nếu thấy hay, hãy Like, Share và Comment chủ đề tiếp theo mà mọi người muốn đọc nhé!
See you ngày mai!